top of page
Ảnh của tác giảPham Ba Thien

Kinh doanh, nghiên cứu và áp dụng Trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam – Bắt đầu từ đâu và làm sao cho đúng?

▪ Email: info@minhthienlaw.com | Website: minhthienlaw.com 

▪ Địa chỉ: Tầng 19, P.1901, Saigon Trade Center, Số 37 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh Số điện thoại: 0913 865 900 ; 09 77 33 77 99

Không đứng ngoài xu hướng toàn cầu, hoạt động kinh doanh liên quan đến Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence, hoặc AI) tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Sự phát triển này đi đôi với Mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, được nêu rõ trong Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ ngày 3 tháng 6 năm 2020. Chính phủ theo đó đã xác định một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để xây dựng nền móng chuyển đổi số là ưu tiên nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có thể tiến xa hơn và tạo bứt phá mạnh mẽ, trong đó có Trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, việc xây dựng hệ thống máy tính có khả năng xử lý và phân tích dữ liệu, kết hợp sự tham gia của cộng đồng, cho phép tổ chức và doanh nghiệp khai thác và phát triển hệ sinh thái sản phẩm sáng tạo liên quan đến Trí tuệ nhân tạo.


Việc ra đời của ChatGPT càng thêm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam, giúp họ ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công việc và cuộc sống hàng ngày. Thông qua việc giảm thiểu thủ tục giấy tờ, tiết kiệm thời gian và chi phí, cũng như tối ưu hóa các quy trình, trí tuệ nhân tạo đang trở thành một trong những lĩnh vực công nghệ số được khuyến khích phát triển tại Việt Nam.


Với nhà đầu tư quan tâm đến các dịch vụ liên quan đến trí tuệ nhân tạo, việc hiểu rõ về bản chất của hoạt động này, cách bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam và những điểm cần lưu ý trong quá trình kinh doanh là rất quan trọng. Bài viết này sẽ giải đáp những vấn đề được nêu.


A.    TRÍ TUỆ NHÂN TẠO LÀ GÌ?


Tới tháng 9/2024, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật ở cấp độ Luật, Nghị định, hay Thông tư cụ thể điều chỉnh khung pháp lý cho hoạt động trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, văn bản có liên quan nhất là Quyết định 127/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ ban hành ngày 26 tháng 1 năm 2021 Quyết định Ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Quyết định này đưa ra các quan điểm chỉ đạo chung, các mục tiêu, định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp của Chính Phủ về Trí tuệ nhân tạo. Trong đó Trí tuệ nhân tạo được định nghĩa là lĩnh vực công nghệ nền tảng, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.

Chi tiết hơn, ngày 3 tháng 7 năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lấy ý kiến dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, luật đầu tiên ở Việt Nam quy định chi tiết về các hoạt động công nghệ số mới và tiên tiến như Chuỗi khối (Blockchain), Dữ liệu lớn (Big Data), cơ chế thử nghiệm dịch vụ công nghệ số, khu công nghệ số, Trí tuệ nhân tạo theo Dự thảo luật được ghi nhận là một dịch vụ công nghệ số mới với định nghĩa là “là công nghệ hướng đến việc mô phỏng trí thông minh của con người bằng cách sử dụng máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính”, và Hệ thống trí tuệ nhân tạo là “hệ thống dựa trên học máy, được thiết kế tạo ra các kết quả đầu ra như nội dung, dự báo khuyến nghị hoặc quyết định cho một tập hợp các mục tiêu xác định bởi con người. Hệ thống được thiết kế có thể sử dụng các kỹ thuật và phương pháp tiếp cận khác nhau liên quan đến trí tuệ nhân tạo để phát triển mô hình, biểu diễn dữ liệu, tri thức, quy trình được sử dụng để tiến hành các tác vụ. Hệ thống trí tuệ nhân tạo được thiết kế để hoạt động với các mức độ tự động hóa khác nhau”.


Như vậy, dù chưa chính thức có hiệu lực và có thể được điều chỉnh trong những Dự thảo sắp tới, Chính Phủ Việt Nam vẫn xem Trí tuệ nhân tạo là một ngành công nghiệp công nghệ số hướng đến mô phỏng trí tuệ con người để hướng đến việc tự động hóa trong công việc và đời sống và được khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng, và phát triển.


Như đã đề cập tại phần trước, hoạt động trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam chưa có khung pháp lý cụ thể, điều này dẫn đến hệ quả việc kinh doanh trí tuệ nhân tạo đang là “vùng xám” của pháp luật. Do vậy, trên quan điểm của tác giả, có thể phân loại hai loại hình kinh doanh trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam gồm:

  • Các doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh dịch vụ trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, đây là các công ty đang kinh doanh dịch vụ công nghệ thông tin như cung cấp dịch vụ lập trình máy tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy tính được đăng ký dưới nhóm ngành nghề 62 và hoạt động dịch vụ thông tin đăng ký theo nhóm ngành nghề 63 theo Quyết định 27/QĐ-TTg về Ban hành hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam của Thủ Tướng ban hành ngày 6 tháng 7 năm 2018. Các doanh nghiệp này có thể kinh doanh các các hoạt động như lập trình máy tính, tư vấn máy vi tính và quản trị hệ thống máy vi tính, xử lý dữ liệu, cổng thông tin. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn ở Việt Nam như Viettel, FPT, VNPT đều có dịch vụ này, một số doanh nghiệp khởi nghiệp cũng đã “lấn sân” sang thị trường này với những cái tên tiêu biểu như Olli, LovinBot.

  • (Các doanh nghiệp áp dụng trí tuệ nhân tạo như một phần trong kết quả kinh doanh, bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp dịch vụ, ví dụ công ty sản xuất ô tô áp dụng trí tuệ nhân tạo trong việc tự động hóa máy móc lắp ráp, cơ khí chính xác, công ty truyền thông áp dụng trí tuệ nhân tạo vào việc lên kế hoạch tiếp thị, viết bài quảng cáo sản phẩm, công ty luật áp dụng trí tuệ nhân tạp trong nghiên cứu và soạn thảo các tư vấn pháp lý.


Đối với nhóm công ty thứ nhất, do hoạt động kinh doanh trí tuệ nhân tạo là hoạt động kinh doanh chính, hoặc mặc dù không phải chính nhưng là hoạt động cung cấp dịch vụ, mang lại doanh thu trực tiếp, có ký hợp đồng và xuất hóa đơn, nếu chưa có công ty, nhà sáng lập cần thực hiện quy trình giấy phép để thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam và đăng ký các ngành nghề kinh doanh tương ứng đến hoạt động công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu, nếu đã có công ty thì cần rà soát các ngành nghề kinh doanh đã có trong giấy phép công ty và bổ sung, chỉnh sửa nếu các ngành nghề hiện có chưa phản ánh đúng mục tiêu kinh doanh dịch vụ trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam.


Đối với nhóm công ty thứ hai, mặc dù áp dụng trí tuệ nhân tạo có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra doanh thu cho công ty, điều này chỉ mang ý nghĩa việc áp dụng đó là một phần của quá trình kinh doanh, và đã gắn với ngành nghề kinh doanh chính của công ty, vậy nên, nếu công ty đã đăng ký các ngành tạo ra sản phẩm không thuộc nhóm công ty thứ nhất, công ty không cần đăng ký thêm các hoạt động thuộc nhóm ngành nghề 62 và 63 đã nêu. Để hiểu hơn về những vấn đề lưu ý về ngành nghề kinh doanh cũng như thành lập công ty, bạn có thể tham khảo bài viết sau: Năm vấn đề pháp lý cần lưu ý khi thành lập Công ty để khởi nghiệp.


Có một số hoạt động liên đến trí tuệ nhân tạo khó được phân loại hơn trong các nhóm trên, ví dụ các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc nhóm nhành nghề 72 (Research and Development, or R&D), tùy vào bản chất đầu ra của sản phẩm nghiên cứu, doanh nghiệp có thể cân nhắc đăng ký theo nhóm ngành nghề 72, 62, 63, hoặc theo phân ngành cụ thể theo hoạt động thực tế của công ty (ví dụ như: nhóm ngành sản xuất, thương mại điện tử, tiếp thị, truyền thông).


Tại Dự Thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, một cơ chế thử nghiệm mới đã đặt ra áp dụng cho các hoạt động công nghệ số mới, bao gồm cả hoạt động kinh doanh dịch vụ trí tuệ nhân tạo, điều này đòi hỏi trong tương lai khi nhóm công ty thứ nhất kinh doanh dịch vụ này, các công ty có thể cần thực hiện thêm các quy trình giấy phép và chịu sự giám sát từ cơ quan nhà nước trước khi vượt qua vòng thử nghiệm và chính thức kinh doanh hoạt động dịch vụ trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.


B.    NHỮNG LƯU Ý KHÁC TRONG VIỆC KINH DOANH VÀ ÁP DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO


Trí tuệ nhân tạo mặc dù có thể nâng cao hiệu suất kinh doanh đáng kể trong công ty, điều này đồng thời dẫn dắt đến nhiều hệ quả cố ý hay vô tình tác động tiêu cực hoặc tiềm ẩn rủi ro cho công ty, dưới góc độ pháp lý, đó có thể là những rủi ro như:

  • Xử lý dữ liệu cá nhân sai mục đích, vi phạm chính sách quyền riêng tư của người dùng, khách hàng, đối tác;

  • Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua sử dụng nguồn thông tin chưa được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;

  • Cắt giảm, sa thải lao động dẫn đến các tranh chấp lao động trong công ty;

  • Sử dụng thông tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng.


Và còn nhiều hệ quả tiềm tàng khác mà doanh nghiệp cần lưu ý trong quá trình kinh doanh, điều này đòi hỏi một cơ chế pháp lý rõ ràng hơn trong việc nghiên cứu, kinh doanh, phát triển, áp dụng trí tuệ nhân tạo, như việc ban hành luật, nghị định, bộ nguyên tắc đạo đức trong phát triển, triển khai, và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.


Quay lại với Dự Thảo đã nêu, mặc dù chỉ mới ở bước sơ khởi, Dự Thảo đã đề cập đến 7 hành vi bị nghiêm cấm trong các hoạt động liên quan đến trí tuệ nhân tạo gồm:

  1. Đưa ra thị trường, đưa vào sử dụng hoặc sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo triển khai các kỹ thuật nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến hành vi của cá nhân mà cá nhân đó không thể nhận thức được hoặc sử dụng các kỹ thuật lôi kéo hoặc lừa đảo nhằm bóp méo hành vi của cá nhân đó một cách nghiêm trọng bằng cách làm suy giảm khả năng đưa ra quyết định dẫn đến tổn hại đáng kể.


  2. Đưa ra thị trường, đưa vào sử dụng hoặc sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo khai thác những điểm yếu của cá nhân hoặc nhóm người người do tuổi tác, tình trạng khuyết tật hoặc hoàn cảnh kinh tế hoặc xã hội làm bóp méo nghiêm trọng hành vi và gây tổn hại đáng kể cho cá nhân hoặc nhóm người đó.


  3. Đưa ra thị trường, đưa vào sử dụng hoặc sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo được dùng để đánh giá hoặc phân loại cá nhân dựa trên hành vi xã hội hoặc các đặc điểm cá nhân hoặc tính cách được suy luận hoặc dự đoán dẫn đến một hoặc cả hai trường hợp sau:

    (i) Đối xử bất lợi trong bối cảnh xã hội không liên quan đến bối cảnh mà dữ liệu ban đầu được tạo ra hoặc thu thập;

    (ii) Tổn hại bất lợi đối với cá nhân hoặc nhóm người không chính đáng hoặc không tương xứng với hành vi xã hội hoặc hoặc mức độ nghiêm trọng của hành vi đó.


  4. Đưa ra thị trường, đưa vào sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo được sử dụng để đánh giá rủi ro của cá nhân nhằm xác định hoặc dự đoán nguy cơ một cá nhân sẽ phạm tội hình sự chỉ dựa trên hồ sơ hoặc đánh giá tính cách và đặc điểm; không áp dụng cho các hệ thống trí tuệ nhân tạo được sử dụng để hỗ trợ đánh giá liên quan trực tiếp đến hoạt động phòng, chống tội phạm theo quy định pháp luật hiện hành.


  5. Đưa ra thị trường, đưa vào sử dụng hoặc sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo để tạo hoặc mở rộng cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt thông qua việc thu thập hình ảnh khuôn mặt không có mục tiêu từ Internet hoặc đoạn phim CCTV.


  6. Đưa ra thị trường, đưa vào sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo suy đoán cảm xúc của con người trong khu vực nơi làm việc và cơ sở giáo dục, ngoại trừ hệ thống trí tuệ nhân tạo được dùng cho y tế và an toàn.


  7. Đưa ra thị trường, đưa vào sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo phân loại sinh trắc học để phân loại các cá nhân dựa trên dữ liệu sinh trắc học để suy luận ra dữ liệu cá nhân nhạy cảm; không bao gồm việc dán nhãn hoặc lọc các tập dữ liệu sinh trắc học được thu thập hợp pháp.


Các doanh nghiệp có thể tham khảo danh mục điều cấm trên để thiết lập quy chế cung cấp dịch vụ hay sử dụng trí tuệ nhân tạo trong doanh nghiệp. Nhìn chung khung pháp lý trong hoạt động trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam mặc dù chưa rõ ràng những với định hướng và xu thế đã nêu, “vùng xám” này sẽ sớm được cụ thể và giúp doanh nghiệp yên tâm trong quá trình kinh doanh tại Việt Nam.


Xem nội dung bài viết trình bày theo hình thức ấn phẩm: Tiếng Việt | Tiếng Anh


Miễn trừ trách nhiệm:

Bài viết này

  • thể hiện quan điểm chủ quan của tác giả liên quan đến chủ đề chính được nhắc đến trong bài viết này, có giá trị tham khảo tốt nhất tại thời điểm đăng tải bài viết;

  • không được xem là quan điểm, ý kiến của bất kỳ cơ quan nhà nước nào trong bất kỳ trường hợp nào; và

  • không cấu thành tư vấn pháp lý của Minh Thien Law và không nên được áp dụng để giải quyết bất kỳ tình huống pháp lý cụ thể nào.

 

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ: info@minhthienlaw.com | thien@minhthienlaw.com

11 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page