top of page
Ảnh của tác giảPham Ba Thien

Những điểm nên cân nhắc trước khi khởi kiện tranh chấp dân sự ra Tòa

▪ Email: info@minhthienlaw.com | Website: minhthienlaw.com 

▪ Địa chỉ: Tầng 19, P.1901, Saigon Trade Center, Số 37 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh Số điện thoại: 0913 865 900 ; 09 77 33 77 99

Người Việt Nam có câu “Vô Phúc Đáo Tụng Đình”, tức ý nói đưa việc kiện tụng ra chốn công đường là một việc làm gian nan và gần như không biết điểm dừng, thể hiện tâm lý chung của người dân coi chuyện ra toà là sự xui xẻo, làm tổn hại thanh danh và sứt mẻ tình cảm giữa các bên. Quan điểm này cũng có phần chính xác khi nhìn nhận từ góc độ pháp lý, vì mặc dù quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là quyền hiến định của mỗi công dân, tuy nhiên việc thực hiện quyền khởi kiện, và theo đuổi một vụ kiện từ đầu tới cuối là vô cùng khó khăn và có thể kéo dài hằng năm, trong khi kết quả cuối cùng đạt được có thể sẽ không được như mong muốn.


Trước khi quyết định khởi kiện một ai đó ra Tòa để giải quyết tranh chấp, người khởi kiện nên cân nhắc thật kỹ lưỡng, xác định một cách rõ ràng xem mình muốn đạt được điều gì từ việc khởi kiện đó và kết quả đạt được từ việc khởi kiện có tối ưu về mặt thời gian và chi phí hay không. Mặc dù khởi kiện là biện pháp tốt nhất để giải quyết tranh chấp, nhưng cũng có khi chỉ cần các bên cùng thương lượng, hòa giải một cách khôn khéo là đã đạt được tiếng nói chung.


Vì vậy, bài viết này tổng hợp một số câu hỏi mà người khởi kiện nên tự đặt ra cho bản thân mình trước khi đặt bút ký lên đơn khởi kiện yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.


A. CÓ KHỞI KIỆN TRANH CHẤP ĐÓ ĐƯỢC KHÔNG?


Về nguyên tắc, mọi tranh chấp dân sự đều có thể khởi kiện ra Tòa án để giải quyết. Tuy nhiên, trong đời sống hằng ngày có thể xảy ra những tình huống khiến cho một người ngộ nhận rằng quyền và lợi ích của mình đã bị xâm phạm và từ đó phát sinh nhu cầu khởi kiện nhưng theo quy định của pháp luật, tranh chấp đó sẽ không được Tòa án giải quyết vì:


Thứ nhất: Người khởi kiện không có quyền khởi kiện vì có căn cứ pháp lý để kết luận rằng họ không có quyền và lợi ích bị xâm phạm hoặc cần pháp luật bảo vệ.


Ví dụ: Cụ A chết năm 2018, để lại di sản là căn nhà X nhưng không có di chúc và không có thỏa thuận khác. Cụ A có con là ông B và ông B có con là ông C. Ông B là người còn sống, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản theo Điều 621 Bộ Luật Dân Sự 2015. Trường hợp này, theo quy định của pháp luật về thừa kế thì ông C là con của ông B không có quyền được hưởng di sản thừa kế của ông nội mình là cụ A, nên không có căn cứ để ông C khởi kiện yêu cầu chia di sản của cụ A là căn nhà X.


Thứ hai: Quyền và lợi ích của người khởi kiện trong tranh chấp đó không hợp pháp.


Ví dụ: Ông A và ông B giao kết hợp đồng cho vay, theo đó ông A cho ông B vay tiền với lãi suất 50%/năm tính trên khoản tiền cho vay. Ông B đã trả đủ nợ gốc cho ông A theo hợp đồng nhưng không trả lãi và phát sinh tranh chấp với ông A liên quan đến việc yêu cầu trả nợ lãi này. Trường hợp này, việc thoả thuận lãi suất 50%/năm là trái với Điều 468 Bộ Luật Dân Sự 2015, quy định lãi suất không được vượt quá 20%/năm, nên quyền lợi của ông A đối với số tiền lãi này là không hợp pháp nên sẽ không có căn cứ để khởi kiện tranh chấp ra Toà án.


Trên thực tiễn xét xử, Toà án vẫn sẽ thụ lý và giải quyết những yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn mặc dù những yêu cầu đó không có có thể không căn cứ và sẽ được làm rõ trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, trường hợp nội dung tranh chấp rơi vào những tình huống nêu trên, thông thường Toà án sẽ trả lại đơn khởi kiện hoặc nếu đã thụ lý thì sẽ đình chỉ giải quyết vụ án.


B. BẠN CÓ CHỨNG MINH ĐƯỢC YÊU CẦU KHỞI KIỆN KHÔNG?


Không phải trong mọi trường hợp mà quyền và lợi ích hợp pháp của bạn bị xâm phạm là bạn có căn cứ để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền lợi cho mình. Nói cách khác, bạn phải chứng minh được yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ, tức là bạn có chứng cứ gì để chứng minh cho yêu cầu đó hay không?


Ví dụ: với những tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khoẻ bị xâm phạm (như là bị tai nạn giao thông), bạn phải chứng minh được thiệt hại mình phải gánh chịu căn cứ trên những chứng cứ liên quan như hoá đơn viện phí, khám chữa bệnh, chứng từ thể hiện thu nhập bị mất đi hoặc bị giảm sút do mất khả năng lao động trong thời gian điều trị thương tật, các biên bản làm việc, ghi lời khai của Công an nhằm xác định lỗi của người gây ra thiệt hại.


Thực tiễn xét xử tại Việt Nam cho thấy Toà án khi xét xử sẽ trọng chứng hơn trọng cung. Tức Toà có xu hướng giải quyết vụ án dựa trên những chứng cứ dưới dạng tài liệu đọc được, nghe được, dữ liệu điện tử, các biên bản, kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền, hơn là những biên bản lấy lời khai của đương sự, người làm chứng và các bên liên quan khác. Điều này có nghĩa là trong trường hợp bạn không có đủ những tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình thì có khả năng Toà án sẽ không chấp nhận yêu cầu của bạn, dù trên thực tế bạn có thể đã hứng chịu thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của người khác.


C. BẠN ĐÃ NỖ LỰC THƯƠNG LƯỢNG, HÒA GIẢI TRƯỚC KHI KHỞI KIỆN CHƯA?


Về nguyên tắc chung, pháp luật không bắt buộc các bên trong tranh chấp phải tự thương lượng, hòa giải trước khi khởi kiện ra Tòa. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết tranh chấp, Tòa án cũng sẽ có xu hướng khuyến khích, động viên các bên thương lượng, hòa giải và chỉ thực hiện đưa vụ án ra xét xử khi không thể thương lượng, hòa giải được. Việc chủ động thương lượng, hòa giải để giải quyết tranh chấp trong ôn hòa luôn được khuyến khích nhằm tiết kiệm thời gian, tiền bạc cũng như duy trì được tình cảm giữa các bên.


Mặc dù vậy, theo quy định của pháp luật, một số tranh chấp bắt buộc phải thực hiện hòa giải trước khi khởi kiện ra Tòa án:

  • Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động theo Điều 32 Bộ Luật Dân Sự 2015 và Điều 188 Bộ Luật Lao Động 2019.

  • Tranh chấp đất đai phải được hòa giải tại Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 235 Luật Đất Đai 2024.


D. BẠN CÓ CÂN NHẮC ĐẾN KHẢ NĂNG PHẢN TỐ CỦA BỊ ĐƠN CHƯA?


Hiểu ngắn gọn thì “phản tố” là việc bị đơn (người bị khởi kiện) kiện ngược lại nguyên đơn trong cùng một vụ án dân sự. Yêu cầu phản tố của bị đơn nếu được chấp nhận sẽ dẫn đến (i) việc bù trừ toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ của mình đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, hoặc (ii) loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.


  • Ví dụ cho trường hợp (i): A khởi kiện yêu cầu B thanh toán 5 tháng tiền thuê nhà còn thiếu tổng cộng là 500 triệu đồng. B nộp đơn phản tố cho Tòa yêu cầu A phải thanh toán cho mình toàn bộ chi phí sửa chữa nhà do bị hư hỏng và tiền thuế sử dụng đất mà B đã nộp thay cho A, tổng cộng là 600.000.000 đồng. Nếu Tòa án chấp nhận yêu cầu phản tố của B thì số tiền B nhận được sẽ bù trừ vào số tiền mà A yêu cầu B thanh toán.

  • Ví dụ cho trường hợp (ii): A có chiếc xe ô tô thuộc sở hữu riêng đã bán cho C, nhưng nói với B (con ruột của A) là cho C thuê. Sau đó A chết, B khởi kiện yêu cầu C phải thanh toán tiền thuê xe còn thiếu trong một năm qua là 100 triệu đồng. C có yêu cầu phản tố yêu cầu Toà án công nhận quyền sở hữu xe ô tô và có tranh chấp. Nếu Toà án chấp nhận yêu cầu phản tố của C, thì dẫn đến không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của B đòi C thanh toán tiền thuê xe ô tô.


Qua các ví dụ trên có thể thấy yêu cầu phản tố của bị đơn đôi khi còn có giá trị cao hơn rất nhiều so với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Quyền phản tố được quy định rõ tại Điều 200 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015, nên thông thường bị đơn sẽ luôn có xu hướng thực hiện quyền phản tố, dẫn đến nhiều khó khăn và đôi khi là thiệt hại về lợi ích cho nguyên đơn trong việc theo đuổi vụ kiện.

Vì vậy trước khi quyết định khởi kiện một ai đó, một bên cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khả năng bị phản tố, thông qua việc rà soát lại nội dung những hợp đồng có liên quan, tiến trình thực hiện hợp đồng, đối chiếu công nợ, v.v.

 

E. BẠN CÓ CÂN NHẮC ĐẾN KHẢ NĂNG THI HÀNH ÁN HAY CHƯA?

Tòa án có thể ra bản án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bạn, nhưng sẽ không có trách nhiệm thi hành bản án đó cho bạn, cũng như sẽ không có bất kỳ thủ tục, hành động nào hỗ trợ bạn thi hành bản án đó. Khi này, bạn có thể phải đối mặt với một số rủi ro sau:


(i)    Bên thua kiện không có khả năng thi hành án. Ví dụ như người bị bạn kiện không có tài sản để bồi thường cho bạn theo bản án đã tuyên.

(ii)   Bên thua kiện tìm mọi cách tẩu tán tài sản để né tránh nghĩa vụ đối với bạn.

(iii) Bên thua kiện không tự nguyện thi hành án.


Trong các trường hợp trên, bạn có thể phải yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế thi hành án. Khi đó, bạn sẽ bị phát sinh nghĩa vụ thanh toán phí thi hành án dân sự cũng như những chi phí phát sinh trong quá trình thi hành án cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, việc cưỡng cưỡng chế thi hành án trên thực tế có thể sẽ kéo dài rất lâu, gây tốn kém thời gian, tiền bạc của người được thi hành án và không bảo đảm rằng tài sản thu hồi được sẽ đúng và đầy đủ theo như bản án của Tòa.


Vì vậy, bạn nên dành thời gian tìm hiểu thật kỹ về đối tượng bạn có ý định sẽ khởi kiện để đánh giá khả năng thi hành án của người đó.

 

F. BẠN CÓ THỜI GIAN VÀ KHẢ NĂNG TÀI CHÍNH ĐỂ THEO ĐUỔI VỤ KIỆN HAY KHÔNG?


Trên thực tế, quãng thời gian bắt đầu từ lúc nộp đơn khởi kiện cho đến khi bản án của Tòa có hiệu lực pháp luật có thể kéo dài hằng năm, dễ tạo ra căng thẳng kéo dài cho các bên trong vụ án. Trường hợp đương sự có nơi cư trú xa với Tòa án đang giải quyết vụ án (ví dụ như ở hai tỉnh khác nhau), áp lực thời gian với đương sự đó sẽ nặng nề hơn vì việc Tòa án triệu tập các bên để làm việc (như để cung cấp chứng cứ, lấy lời khai) cũng như để tham dự phiên tòa xét xử vụ án hoàn toàn do Tòa án quyết định, bất kể hoàn cảnh của các bên.


Về mặt chi phí, khi khởi kiện vụ án ra Tòa, nguyên đơn có thể phải chịu các chi phí sau đây, bao gồm, nhưng không giới hạn: Tiền tạm ứng án phí; Chi phí thẩm định tại chỗ (nếu phát sinh); Chi phí định giá tài sản (nếu phát sinh); Phí thi hành án dân sự; Các chi phí phát sinh khi chuẩn bị tài liệu, chứng cứ như phí công chứng, lập vi bằng; Chi phí ủy thác tư pháp (nếu phát sinh); Phí thuê luật sư.


Ngoài ra, nếu bạn là bên thua kiện, tức toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bạn không được Tòa án chấp nhận, bạn phải chịu toàn bộ án phí. Trong một số trường hợp, Tòa án có thể tuyên bên thua kiện phải chịu cả chi phí thuê luật sư của bên thắng kiện.


Vì vậy, thời gian và tiền bạc luôn là một yếu tố bạn cần phải ưu tiên cân nhắc khi quyết định khởi kiện một ai đó. Bạn nên đặt lên bàn cân những lợi ích mình sẽ đạt được so với những chi phí mình phải bỏ ra khi khởi kiện vụ án. Đôi khi Tòa tuyên bạn thắng nhưng bạn lại “mất” nhiều hơn “được”.


G. BẠN ĐÃ NHỜ LUẬT SƯ TƯ VẤN TRƯỚC KHI KHỞI KIỆN CHƯA?


Tìm kiếm sự tư vấn chuyên môn của luật sư trước khi quyết định khởi kiện một vụ án dân sự luôn đóng vai trò quan trọng, giúp cho đương sự nắm được tính hợp pháp của yêu cầu khởi kiện, những khó khăn, thuận lợi có thể lường trước được khi giải quyết tranh chấp.


Ngoài ra, luật sư tham ngay từ đầu có thể đưa ra những tư vấn hữu ích xem liệu đương sự có nên khởi kiện vụ án hay không hoặc nên chọn giải pháp mềm mỏng hơn như thương lượng và hoà giải. Sự tham gia của luật sư theo đó có tác dụng tích cực trong việc giúp các bên trong tranh chấp đạt được tiếng nói chung mà có thể không phải kiện nhau ra Toà, giúp rút ngắn được thời gian giải quyết tranh chấp, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc cho các bên.

 

Nếu bạn cần hỗ trợ liên quan đến các tranh chấp của mình, Luật Minh Thiên  cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp sẽ hỗ trợ bạn từ bước tư vấn sơ bộ cho đến đại diện tham gia tố tụng. Nếu có câu hỏi, vui lòng gửi cho chúng tôi tại đường link này.


Xem nội dung bài viết trình bày theo hình thức ấn phẩm: Tiếng Việt | Tiếng Anh


Miễn trừ trách nhiệm:

Bài viết này

  • thể hiện quan điểm chủ quan của tác giả liên quan đến chủ đề chính được nhắc đến trong bài viết này, có giá trị tham khảo tốt nhất tại thời điểm đăng tải bài viết;

  • không được xem là quan điểm, ý kiến của bất kỳ cơ quan nhà nước nào trong bất kỳ trường hợp nào; và

  • không cấu thành tư vấn pháp lý của Luật Minh Thiên (Minh Thien Law) và không nên được áp dụng để giải quyết bất kỳ tình huống pháp lý cụ thể nào.

 

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ: info@minhthienlaw.com | 09 77 33 77 99 - 0913 865 900

25 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page