top of page
Ảnh của tác giảPham Ba Thien

Những quy định, chính sách pháp luật có hiệu lực trong Tháng 07/2024 đáng quan tâm

Minh Thien Law xin được giới thiệu Bản tin pháp lý tổng hợp một số quy định, chính sách pháp luật có hiệu lực trong Tháng 7, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp, đáng lưu ý là liên quan lĩnh vực ngân hàng, bảo vệ thanh toán trực tuyến, hôn nhân và căn cước.

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ tới chúng tôi tại:

▪ Email: info@minhthienlaw.com  Số điện thoại: 0913 865 900 ; 09 77 33 77 99

▪ Địa chỉ: Tầng 19, P.1901, Saigon Trade Center, Số 37 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

A. PHONG TỎA TÀI KHOẢN THANH TOÁN KHI PHÁT HIỆN NHẦM LẪN, SAI SÓT


Nghị định 52/2024/NĐ-CP của Chính phủ về Thanh toán không dùng tiền mặt có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 có quy định về việc phong tỏa tài khoản thanh toán. Trong đó có trường hợp khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng thì có thể yêu cầu phong tỏa tài khoản thanh toán đó.


Với quy định trên, các trường hợp có thể áp dụng gồm ngân hàng (với tư cách là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán) đã ghi Có sai vào tài khoản của khách hàng (ví dụ: chuyển nhầm tiền) do lỗi của ngân hàng. Hoặc, trường hợp ngân hàng chuyển tiền sai so với lệnh thanh toán mà bên chuyển khoản (khách hàng) có yêu cầu thì cũng sẽ áp dụng quy định này. Tuy nhiên, các trường hợp trên không bao gồm lỗi chuyển tiền do bên chuyển tiền (ví dụ: nhập sai số tài khoản). Do đó, nếu chuyển nhầm tiền do lỗi này, bên chuyển tiền không thể yêu cầu phong tỏa tài khoản của bên nhận.


Lưu ý thêm, việc phong tỏa tài khoản trong trường hợp sai sót từ ngân hàng chỉ áp dụng với số tiền bị phong tỏa có trong tài khoản và không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót. Nếu ngân hàng, chủ tài khoản thanh toán, hay cơ quan có thẩm quyền thực hiện hoặc yêu cầu phong tỏa tài khoản trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản thì phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.


B. CHUYỂN KHOẢN TRÊN 10 TRIỆU ĐỒNG PHẢI XÁC THỰC BẰNG KHUÔN MẶT


Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam về việc triển khai các giải pháp an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 quy định hàng loạt các biện pháp xác thực tối thiểu nhằm giảm thiểu rủi ro trong thanh toán trực tuyến, bảo đảm an toàn, bí mật cho khách hàng.


Các biện pháp này bao gồm việc bắt buộc xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt khi thực hiện các giao dịch ngân hàng trực tuyến từ 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày vượt quá 20 triệu đồng. Ngoài ra, còn yêu cầu xác thực cho các giao dịch như đăng nhập lần đầu trên ứng dụng, đăng nhập từ thiết bị khác, đăng nhập lại sau khi quên mật khẩu và đổi mật khẩu thành công.

Hệ thống cũng phải thông báo việc đăng nhập lần đầu ứng dụng Internet Banking/ Mobile Banking hoặc việc đăng nhập ứng dụng từ thiết bị khác so với lần gần nhất qua SMS hoặc các kênh khác do khách hàng đăng ký (như thông qua email, điện thoại). Thông tin về thiết bị thực hiện các giao dịch trực tuyến của khách hàng và nhật ký (log) xác thực giao dịch phải được lưu trữ tối thiểu trong vòng 03 tháng.

 

C. CHỒNG KHÔNG ĐƯỢC YÊU CẦU LY HÔN BẤT KỂ VỢ ĐANG CÓ THAI, SINH CON VỚI AI


Nghị Quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân gia đình, được Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, quy định rằng trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn, không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai. Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng cũng không có quyền yêu cầu ly hôn, không phân biệt con đẻ hay con nuôi.


Quy định này không phải là mới, đã tồn tại từ Luật Hôn nhân và Gia đình 1959, và tiếp tục trong các Luật sau đó, mới nhất là Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Theo đó Khoản 3 Điều 51 quy định: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”. Mặc dù luật không nói rõ con ở đây là con ai, cách hiểu vẫn không thay đổi khi không phân biệt là con của chồng hay không, chồng đều không được yêu cầu ly hôn với vợ trong các trường hợp này. Quy định tại Nghị Quyết là cách giải thích rõ ràng hơn của Luật về vấn đề này.

 

D. CẤP THẺ CĂN CƯỚC TỪ THÁNG 7/2024


Thẻ căn cước, trước đây gọi là thẻ căn cước công dân và trước đó nữa là thẻ chứng minh nhân dân, sẽ chính thức được cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên (bắt buộc) và dưới 14 tuổi (theo nhu cầu) theo quy định của Luật Căn cước 2023, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.


Đối với thẻ căn cước công dân được cấp trước ngày 01/7/2024, thẻ vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trên thẻ. Đối với thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024. Đối với chứng minh nhân dân thì hết hiệu lực từ ngày 01/1/2025.


Thẻ căn cước mới sẽ không còn thông tin về quê quán và vân tay, thay vào đó là thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú. Một số thông tin sinh trắc học mới sẽ được thu nhập như thông tin về mống mắt, ADN và giọng nói.


Ngoài ra, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch cũng sẽ được cấp Giấy chứng nhận căn cước chứa thông tin của những người này nếu đang sinh sống tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên. Giấy này có giá trị chứng minh căn cước để thực hiện các giao dịch và thực hiện các quyền lợi hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.


Tải về để xem nội dung bài viết chi tiết hơn: Tiếng Việt | Tiếng Anh

14 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page